Đại gia hơn hai năm đòi 122 tỷ đồng gửi tiết kiệm

Đại gia hơn hai năm đòi 122 tỷ đồng gửi tiết kiệm

Anh Đặng Nghĩa Toàn, 45 tuổi, từ là khách hàng VIP của nhiều ngân hàng ở Hà Nội trở thành người đi đòi tiền gửi tiết kiệm của chính mình.

Ngày 25/1, anh Toàn, trú phố Hàng Tre, quận Hoàn Kiếm, cho VnExpress biết mình là nhà đầu tư lớn trong nhiều lĩnh vực, thường xuyên gửi tiết kiệm ngắn hạn ở ngân hàng. Năm 2017, qua các mối quan hệ xã hội, anh quen Nguyễn Thị Hà Thành khi chị ta tự giới thiệu là nhân viên huy động vốn cho bốn ngân hàng lớn ở Hà Nội.

Đầu năm 2018, anh Toàn tham gia đấu giá lô đất trong một khu đô thị tại tỉnh Thanh Hoá với giá khởi điểm 512 tỷ đồng. Do đơn vị mở đấu giá yêu cầu công ty tham gia phải từng có kinh nghiệm tại dự án lớn, doanh nghiệp của anh Toàn không đáp ứng đủ điều kiện.

Anh được Thành giới thiệu gặp Nguyễn Thanh Tùng (đồng phạm trong vụ án lừa đảo ngân hàng với Thành) để mượn pháp nhân công ty xây dựng MHD của Tùng. Anh Toàn sau đó dùng pháp nhân MHD đặt cọc hơn 52 tỷ đồng tạm ứng tham gia đấu giá nhưng bất thành. Tiền được trả về.

Sổ tiết kiệm của anh Toàn mở ở PVComBank. Ảnh: Nhân vật cung cấp

“52 tỷ đồng này, tôi gửi thành ba sổ tiết kiệm ở ngân hàng PVComBank. Khi biết tôi có tiền, Thành đề nghị mượn sổ tiết kiệm để huy động vốn cho ngân hàng, cam kết trả bằng đúng mức lãi suất ngân hàng đang gửi. Tôi đưa ba sổ cho Thành và nhận luôn mức lãi này. Sau đó xảy ra vụ Thành giả mạo chữ ký, cầm cố sổ tiết kiệm của tôi để vay ngân hàng”, anh Toàn nói.

Sau thời gian dài làm việc, tháng 3/2019, anh Toàn được PVComBank trả lại ba sổ tiết kiệm. “PVcomBank bốn lần ra văn bản hướng dẫn giải quyết sự việc, cam kết trả lại tiền khi có kết luận của cơ quan điều tra, tuy nhiên hiện nay tiền vẫn kẹt”, theo anh Toàn.

Vị đại gia còn gửi một sổ tiết kiệm 20 tỷ đồng ở ngân hàng VietABank, 4 sổ tiết kiệm trị giá 50 tỷ đồng ở Ngân hàng quốc dân NCB. Năm sổ này anh Toàn đều đưa cho Thành. Những tháng đầu, anh được trả lãi đầy đủ nhưng từ khi Thành bị bắt (cuối năm 2018) việc này ngưng lại và hiện anh không rút được tiền tiết kiệm.

“Suốt hai năm kêu cứu khắp nơi, tôi bị “kẹt” tổng cộng 122 tỷ đồng ở ba ngân hàng. Cuộc sống gia đình, kinh doanh bị xáo trộn. Tôi bị mang tiếng là kẻ lừa đảo ngân hàng trong khi tiền của mình đang bị ngân hàng đóng băng”, anh Toàn nói.

Anh Toàn đến trụ sở PVComBank đòi tiền trong tháng 12/2020. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

PVComBank trong động thái mới nhất cho hay ba sổ tiết kiệm là vật chứng của vụ án hình sự nên chưa thể trả tiền.

Trong trường hợp không rút được tiền tiết kiệm, vợ chồng anh Toàn có thể kiện ngân hàng, yêu cầu bồi thường trong vụ án dân sự khác, bởi theo điều 87 Bộ luật Dân sự “pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân”.

Với những người gửi số tiền lớn, luật sư khuyên nên mời đơn vị thừa phát lại đến ngân hàng để lập vi bằng toàn bộ quá trình giao dịch.

Helo

Nguồn: vnexpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *